Bệnh viêm loét da rỉ dịch khó điều trị vì khả năng đề kháng của Staphylococcus hyicus
Cập nhật: 19.04.2017 10:34

Bệnh viêm loét da rỉ dịch khó điều trị vì khả năng đề kháng của Staphylococcus hyicus

 

Bệnh viêm loét da rỉ dịch thường xảy ra ở lứa tuổi từ 5 đến 60 ngày và có đặc điểm khởi phát đột ngột, tỷ lệ mắc từ 10% - 90% và tỷ lệ tử vong 5% - 90%. Bệnh phần lớn do các vi khuẩn Staphylococcus hyicus và Staphylococcus aureus gây ra độc tố bong tróc da. Dạng cấp tính thường ảnh hưởng đến lợn con theo mẹ, còn các trường hợp mãn tính thường thấy ở lợn con sau cai sữa. Bệnh xuất hiện hầu hết tất cả các khu vực chăn nuôi lợn trên thế giới.

 

Hình 1. Bệnh viêm loét da rỉ dịch trên lợn con theo mẹ

Hình 2. Bệnh viêm loét da rỉ dịch trên lợn cai sữa

 

Nguyên nhân chủ yếu khi lợn con bắt đầu nhiễm trùng từ những viết trầy da trên mặt, chân cẳng và các vết xước khác trên cơ thể. Những vết thương này thường do lợn đánh nhau, cắn nhau hoặc trầy xước do mặt nền chuồng thô ráp từ bê tông, nhựa sắc cạnh, mối hàn nối thô sắc do sửa chuồng. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng và tiến triển của bệnh bao gồm do giảm hệ miễn dịch, vệ sinh kém, dinh dưỡng không cân bằng như thiếu kẽm hay vitamin, nhiễm nấm ngoài da, do bị ghẻ, chấy rận hoặc bất cứ những thứ gì gây tổn hại cho da. Ngoài ra, lợn có thể nhiễm bệnh do mắc một số bệnh khác như bệnh mụn nước do virus (parvo, trái đậu…), bệnh vẩy phấn hồng. Chuồng trại kém thông thoáng, ẩm thấp, nắng nóng cũng là yếu tố gây stress làm giảm sức đề kháng của lợn con. Khác với nái tơ, lợn nái rạ thường có miễn dịch cao từ lần tiếp xúc trước sẽ có khả năng bảo vệ lợn con rất tốt thông qua sữa non của chúng. Gần đây, người ta cũng nhận thấy rằng, trong nhiều đàn không cắt răng nanh lợn con sau khi sinh cũng có thể làm gia tăng tỷ lệ viêm loét da rỉ dịch.

Lợn thường tự phát triển sức đề kháng theo tuổi tác, nhưng Sta. hyicus có thể vẫn được hồi sinh từ da của lợn già, âm đạo của lợn nái và bao qui đầu của lợn đực. Những nguồn tuy nhỏ hẹp này lại là khởi đầu lây nhiễm cho những đàn gia súc mới chưa nhiễm bệnh. Lợn con thường bị nhiễm từ mẹ của chúng, nhiều trường hợp thường bị nhiễm bệnh từ lợn nái viêm âm đạo sau sinh hoặc do chuồng đẻ có sẵn mầm bệnh. Lợn con theo mẹ thường bị ảnh hưởng nhiều nhất và nghiêm trọng nhất, nhưng sự lây nhiễm chéo xảy ra sau khi trộn nhập nhiều đàn lúc cai sữa với tỷ lệ bệnh tật lên đến 80%. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong thường thấp ở nhóm tuổi này. Tỷ lệ mắc bệnh cũng đã tăng lên ở các trại sản xuất lợn công nghiệp có mật độ cao và kèm theo quy trình cai sữa sớm.

Hiện nay, có những báo cáo về viêm da dị ứng liên quan đến nhiễm trùng Staphylococcus aureus kháng methicillin ST398 nhưng vai trò nguyên nhân không được minh chứng rõ ràng. Viêm loét da do Staphylococcus hyicus gây ra đã được các nhà chăn nuôi điều trị bằng penicillin nhưng đề kháng kháng sinh đối với penicillin đã được ghi nhận. Có một số nghiên cứu xác định sự xuất hiện của các gen khác nhau mã hóa kháng kháng sinh ở Staphylococcus hyicus.

 

Biện pháp xử lý và điều trị

Người chăn nuôi nên tính toán kỹ điều trị hay loại bỏ để giảm thiểu thiệt hại do bênh gây ra. Cần cách ly toàn bộ lợn bệnh ra khỏi đàn. Để liệu pháp kháng sinh có hiệu quả cần kết hợp với khử trùng hàng ngày trên toàn bộ bề mặt cơ thể lợn. Khử trùng tiêu độc, phun thuốc trừ ghẻ, ký sinh trùng ngoài da cho lợn trong tất cả các chuồng nuôi. Gia súc non, nhỏ yếu và bệnh đang xu hướng tăng nặng hơn thường điều trị ít hiệu quả. Vệ sinh khử trùng chuồng nái khô chửa, chuồng nái đẻ, chuồng cai sữa và có biện pháp trộn thuốc ngừa trong thức ăn hoặc nước uống trong 3-5 ngày. Cắt nanh lợn con và có đệm lót mềm và ấm. Đồng thời, khắc phục các yếu tố tiểu khí hậu chuồng trại, vệ sinh thú y, điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của lợn.

 

Biểu đồ 1: Kết quả kháng sinh đồ của Sta. hyicus và Sta. aureus của Canada 2010

 

Điều trị nên chọn kháng sinh nhạy cảm với Staphylococcus hyicus dựa theo kháng sinh đồ của trại hay vùng miền (Tham khảo biểu đồ 1). Một số kháng sinh có thể sử dụng là amoxicillin, ampicillin, erythromycin, lincomycin, penicillin, tylosin, trimethoprim-sulfonamide, aminoglycosides và cephalosporin. Điều trị thành công thường dùng thuốc liều cao trong giai đoạn đầu của bệnh 7-10 ngày. Có thể bôi ngoài da bằng kháng sinh Novobiocin.

            Lê Phạm Đại tổng hợp

            Tài liệu tham khảo:

  1. Jeonghwa P., Robert F., Cate D., Scott W., Zvonimir P. (2010), Exudative epidermitis is difficult to treat because of widespread antimicrobial resistant Staphylococcus hyicus, University of Guelph, Guelph, ON, Canada.
  2. Overview of Exudative Epidermitis by Peter R. Davies, BVSc, PhD, Professor, Swine Health and Production, Department of Veterinary Population Medicine, College of Veterinary Medicine, University of Minnesota.