Bệnh viêm phổi địa phương ở lợn - Suyễn lợn
Cập nhật: 08.06.2018 08:15

Bệnh viêm phổi địa phương - viêm phổi truyền nhiễm hay Suyễn lợn (Enzootic Pneumonia viết tắt: SEP) gây ra bởi Mycoplasma hyopneumoniae (Mhyo). Ước tính bệnh này hiện diện trên 80% đàn lợn ở Anh (NADIS) và có 60- 80% số lợn trong trại bị nhiễm bệnh ở Việt Nam.

1.Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Gram âm Mycoplasma gồm các chủng M. Hyopneumonia, M.hyorhinitis, M,granularum và M.suipneumoniae (M.pneumoniae suis). Bệnh thường ở thể mạn tính ở mọi lứa tuổi, đặc biệt lợn từ 8-20 tuần, thời gian ủ bệnh khoảng 6 tuần.

Một số yếu tố bất lợi làm bệnh xẩy ra như thay đổi cơ cấu đàn, chuyển nhập đàn mới, stress sau tiêm phòng và điều trị. Yếu tố khí hậu nóng lạnh thất thường và tiểu khí hậu chuồng nuôi (độ ẩm, nhiệt độ, tốc độ gió) và chất lượng không khí, khí độc, NH3, H2S, CO2 … Mật độ nuôi, nhiều lứa tuổi và giống cùng một chỗ. Ngoài ra chế độ ăn thiếu dinh dưỡng như vi lượng, vitamin A,D,E cũng là yếu tố làm tăng khả năng nhiễm bệnh.

Tỷ lệ chết khoảng 10%, nếu kế phát các bệnh truyền nhiễm khác thì tỷ lệ sẽ chết tăng. Thiệt hại kinh tế 4-7% do lợn còi cọc chi phí thức ăn tăng và chi phí phòng bệnh và điều trị lớn.

2.Phương thức truyền lây

- Trực tiếp từ lợn khỏe mang trùng, lợn ốm và chết do viêm phổi truyền nhiễm do tiếp xúc trực tiếp từ lợn sang lợn thông qua đường hô hấp và đường miệng là chủ yếu. Ngoài ra bệnh cũng có thể truyền từ nái mang trùng sang con trong thai kỳ.

- Gián tiếp qua vận chuyển, mua bán phải đàn lợn mang trùng.

3.Cơ chế sinh bệnh

Vi khuẩn Mycoplasma xâm nhập từ ngoài hoặc cư trú ở amidal khi gặp điều kiện thuận lợi chúng tăng độc lực và đi vào niêm mạc phế quản và phế nang. Ở đây, chúng ký sinh và sinh sản gây viêm cata làm tăng tiết dịch bề mặt niêm mạc và kích thích tiết chất nhầy phủ dầy và chứa kín nhiều nhánh nhỏ đối xứng của phế quản, nhất là các thùy đỉnh, thùy giữa.

Lợn dần hồi phục khi có sức đề kháng tốt. Ngược lại, khi môi trường chăn nuôi bất lợi, từ ổ viêm cata phát triển thành ổ áp xe có mủ, từ thùy đỉnh và thùy giữa lây lan sang thùy khác, dẫn tới viêm dính màng phổi và màng tim.

4.Biểu hiệu lâm sàng

a) Thể cấp tính

- Bệnh mới xuất hiện tương đối nhẹ với triệu chứng ho khan ở mức độ thưa và ít. Lợn ốm thường rời đàn, đứng hoặc nằm một góc, ăn kém, da nhợt nhạt và chậm lớn.

- Thường sốt nhẹ 39,5 -  40°C. Hắt hơi chảy nước mũi nhầy, khó thở. Ho khan từng tiếng về đêm, sau đó thành cơn, ho ướt, đặc biệt khi trời se lạnh, gió lùa đột ngột.

- Lợn ho ngồi kiêu chó (Hình 1), thở dốc, hóp bụng, xương sườn và cơ bụng nhô lên hạ xuống theo nhịp thở gấp.

- Tùy thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng, bênh thứ phát, sức đề kháng và không điều trị kịp thời lợn bệnh sẽ chết sau 1 - 3 tuần.

 

Hình 1. Đặc trưng ngồi kiểu chó do nhiễm SEP (ảnh NADIS)

b) Thể mạn tính

- Ho kéo dài và ho khan từng cơn rồi nôn mửa, thường cong rướn vươn cổ để ho do khó thở.

- Lợn vẫn ăn uống bình thường, nhưng lợn chậm lớn, lông da xù xì thô ráp.

- Có nhiều trường hợp kéo theo viêm khớp đi lại khó khăn.

- Nếu đàn trước đây chưa mắc bệnh, có dấu hiệu nặng hơn hôn mê, thân nhiệt cao và bỏ ăn.

- Thường xẩy ra thai chết lưu, sảy thai và con chết yếu trên lợn nái nhiễm bệnh.

Trên thực tế, biểu hiện bệnh là "tổng hợp" các tác nhân gây bệnh thứ cấp làm viêm phổi nặng do Pasteurella và Streptococcus và điều kiện để virus PRRS  có thể bùng phát. Ngoài ra, Suyễn và Cúm lợn thường cùng tồn tại và kết hợp làm bệnh nặng thêm. Suyễn lợn còn có liên hệ với virus bệnh đường hô hấp phức hợp (do Circovirus: PCAD hay PMWS). Vì vậy, để kiểm soát bệnh hô hấp không nên chỉ dựa vào việc điều trị hoặc ngăn ngừa chỉ một bệnh.

5.Bệnh tích khi mổ khám

Vùng phổi viêm sưng cứng. Các hạch lâm ba phổi sưng to và xung huyết. Phần viêm nhục hóa có màu nâu hay gan hóa có màu xám nâu. Mặt cắt nhẵn và ướt do phổi bị tích nước và phù thũng khác với vùng phổi bình thường.

Có các đám áp xe, đám phổi bị xẹp, dính liền với màng phổi, tim. Khoang ngực chứa nhiều dịch fibrin tạo mô liên kết dính chặt giữa tim, phổi và lồng ngực.

Khi bóp miếng phổi cắt, chảy nhiều nước đỏ đục, nhiều nước bọt trắng trong phế nang viêm.

Đặc biệt, các thùy phổi bị viêm ở 2 bên phổi luôn đối xứng giống nhau. Sự lây nhiễm bắt đầu từ rìa mép thùy đỉnh, thùy giữa sau đó lan tỏa xuống các thùy khác.

Thể tích và độ lớn của phổi giảm đi chỉ bằng 1/3 so với bình thường thụ thuộc vào căn nguyên thứ phát và thời gian kéo dài của bệnh.

Phần nhạy cảm nhất của phổi là 4 thùy trước và các đầu phía trước của thùy chính (cơ hoành), 10% của mô này bị tổn thương. Lợn bị Suyễn tốc độ tăng trưởng chậm.

6.Chuẩn đoán

6.1. Dựa vào phương thức truyền lây, biểu hiện lâm sàng, bệnh tích khi mổ khám

Chuẩn đoán lâm sàng bằng cách lùa lợn nhanh 3-5 phút, những con bệnh sẽ phát ra tiếng ho khan, chảy nước mũi, một số nằm lỳ vì quá mệt, thở dốc hoặc ngồi thở. Cơ bụng và xương sườn hóp vào nhô ra theo nhịp thở

Qua mổ khám thấy rõ các vùng viêm của phổi luôn đối xứng với các biến đổi gan hóa, kèm theo các áp xe và dính màng phổi. Có thể kiểm tra lợn lúc giết mổ 30-50 con. Các tổn thương phổi có màu mận, phai màu xám đỏ và cứng chắc, như trong Hình 2.

Ngoài ra, bệnh có thể được xác định bằng mô bệnh học và xét nghiệm PCR.

 

Hình 2. Tổn thương phổi nhục hóa đặc trưng của SEP (ảnh NADIS)

6.2. Chẩn đoán phân biệt

a. Cúm lợn: sốt cao 41,4- 420C, hắt hơi và ho, viêm mũi tiết dịch cấp tính, phát ban đỏ ở tai, mõm, phần da mềm ở bụng. Bệnh tiến triển nhanh, nhưng cũng nhanh chóng hồi phục dần (khác với suyễn lợn). Mổ khám: viêm phổi không đối xứng.

b. Bệnh giả dại- Aujeszky: lây lan rất nhanh toàn đàn, gây chết cao ở lợn con theo mẹ. Có các biểu hiện thần kinh, ngứa đặc trưng mà không thấy ở suyễn lợn.

c. Bệnh dịch tả lợn cổ điển: lây lan chậm, nhưng tỷ lệ mắc bệnh rất cao tới 100%. Lợn con đang bú mẹ đã tiêm phòng rất ít khi mắc bệnh và không có dấu hiệu viêm phổi. Khi mổ khám,  lách hình răng cưa, màng thận xuất huyết điểm, viêm ruột hoại tử với nốt loét hình xoáy ốc, phổi viêm tiết tơ huyết nhưng không có áp xe.

d. Bệnh phó thương hàn: Thân nhiệt lúc tăng lúc giảm. Xuất huyết dưới da tai, tím ở chỏm tai và da mõm, bụng, bẹn, háng. Viêm xuất huyết hoại tử đến loét sâu trong ruột già. Đặc biệt, gan sưng to và cứng, lốm đốm, có thể có điểm hoại tử trắng ngà.

7.Phòng bệnh

- Tiêm ​VACCINE ​Mycoplasma hyopneumoniae.

- Vi trùng có khả năng lây lan 3km theo chiều gió. Con người có thể giữ vi trùng trong 48 giờ. Trước khi nhập đàn cần nuôi cách ly 6-8 tuần.

- Giảm mật độ và số lượng trong nhóm. Nuôi cách biệt theo nhóm tuổi và cùng vào cùng ra.

- Đảm bảo thông gió đầy đủ - Chất lượng không khí !

- Đảm bảo tiểu khí hậu chuồng nuôi. Thường xuyên rửa và khử trùng chuồng khi chuyển đàn.

- Điều trị kịp thời, loại nhanh lợn không hồi phục và bênh mãn tính.

- Sử dụng thuốc kháng sinh vào những thời điểm nhạy cảm (sau khi nhập và chuyển đàn).

- Chi lợn ăn, uống đầy đủ với khẩu phần đảm bảo chất lượng.

​8. Điều trị

​Có thể vừa trộn kháng sinh vào thức ăn toàn đàn và tiêm cho những con ốm như sau:

- Trộn Tylosin/Tiamulin với liều 10-20 mg/kg thể trọng cho toàn đàn ăn liên tục 5-7 ngày.

- Tiêm Marbofloxaxin/Draxxin/Tylosin/Tiamulin theo hướng dẫn của BS Thú y.

Lê Phạm Đại tổng hợp, tham khảo từ NADIS và Tạp chí Chăn nuôi