logo
logo
 0251 3922538
Vietnamese English

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh heo trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với những năm trước đây. Các chương trình tiêm phòng bệnh và các biện pháp hỗ trợ, trộn kháng sinh vào trong thức ăn... được áp dụng hầu hết ở các trại nhưng bệnh vẫn xảy ra liên tục và gây thiệt hại to lớn cho người chăn nuôi heo.

Trong năm 2008 – 2009, hầu hết các trại chăn nuôi heo của Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề do dịch tiêu chảy cấp.

Bệnh xảy ra rất nhanh, trên toàn đàn heo và gây chết gần như 100 % heo con theo mẹ. Dịch tiêu chảy cấp theo nhận định của nhiều chuyên gia có thể là do bệnh Tiêu chảy thành dịch trên heo (Porcine Epidemic Diarrhoea, viết tắt là PED) hoặc do bệnh Viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (Transmissible GastroEnteritis,viết tắt là TGE) gây ra. Tác nhân của 2 bệnh này tuy là 2 loại virus khác nhau nhưng đều cùng thuộc nhóm Coronavirus. Bệnh PED và TGE rất giống nhau về dấu hiệu bệnh, phương pháp phòng trị và kiểm soát, vì thế bài viết trình bày chung cho cả 2 bệnh. Năm 2010 bệnh vẫn tiếp tục xảy ra ở một số trại, thậm chí tái phát ở những trại đã từng xày ra dịch trong năm 2009. Nguyên nhân là do bà con chăn nuôi chưa áp dụng đầy đủ các giải pháp phòng chống 2 bệnh nói trên. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến bà con những vấn đề cơ bản nhất để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch tiêu chảy cấp gây ra.

1. Dấu hiệu nhận biết dịch bệnh: khác với tiêu chảy do vi khuẩn (E. coli, Clostridium...) xảy ra trên một số ít heo trong bầy, 1 số ít bầy trong toàn đàn, thời gian xuất hiện bệnh chậm, có thể điều trị khỏi khi can thiệp bằng kháng sinh... Dịch tiêu chảy cấp xuất hiện rất nhanh (2 - 3 ngày đến 1 – 2 tuần), trên toàn đàn, kể cả heo nái (Hình 1, 2), không điều trị được bằng kháng sinh. Heo mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh nhưng nhạy cảm nhất là heo sơ sinh với tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết có thể lên đến 100 %. Heo con theo mẹ bị bệnh sẽ bỏ ăn, ói, tiêu chảy (rất lỏng, hơi vàng, mùi hôi, sữa không tiêu hóa) (Hình 3) và heo nằm thành đống, mình heo dính phân bê bết (Hình 4). Heo con theo mẹ chết rất nhanh do mất nước, mất chất điện giải, heo bị lạnh... Heo 3 tuần trở đi, heo cai sữa... nếu có biện pháp hỗ trợ sẽ vượt qua bệnh và tỷ lệ chết không đáng kể.

 2. Can thiệp khi có dịch tiêu chảy cấp

 - Biện pháp thú y: Vì đây là bệnh do virus gây ra nên sử dụng kháng sinh chỉ là biện pháp hạn chế thiệt hại do các bệnh phụ nhiễm bởi vi khuẩn, nhất là vi khuẩn đường ruột như E. coli, Salmonella, bệnh lỵ... Có thể sử dụng kháng sinh (loại kháng sinh mà trại vẫn sử dụng) pha vào nước uống, nước truyền dịch bù nước cho heo con.

 - Vệ sinh chuồng trại và cách ly: Tăng cường vệ sinh, sát trùng, hạn chế người vào thăm trại. Biện pháp này chỉ có ý nghĩa rõ rệt nhằm mục đích phòng bệnh xâm nhập vào trong trại. Một khi dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện thì biện pháp này chỉ có ý nghĩa trong việc làm giảm nguy cơ phụ nhiễm, không có tác dụng chặn đứng dịch bệnh. Chú ý trong thời gian này không nhập thêm heo mới vào trại.

- Gây nhiễm nhân tạo: biện pháp này được thực hiện nhằm mục đích đẩy nhanh thời gian xuất hiện và kết thúc bệnh, cắt dịch sớm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tốt nhất các biện pháp giảm thiểu thiệt hại. Việc gây nhiễm nhân tạo nếu áp dụng đúng cách cũng có thể ngăn được bệnh tiêu chảy trên một số đàn heo con sinh sau. Có thể thực hiện gây nhiễm nhân tạo như sau: lấy ruột heo con đang bị tiêu chảy, nghiền nát và hòa vào nước hoặc trộn vào trong thức ăn, có thể bổ sung kháng sinh, cho 10 heo khác uống (heo con, heo thịt, heo nái kể cả hậu bị và nái sắp sanh). Đối với nái sắp sanh cần lưu ý 2 trường hợp sau:

+ Trường hợp 1: nái sắp sanh trong vòng 1 – 2 tuần, khi được gây nhiễm nhân tạo cả mẹ và con sau này sinh ra đều bị dịch tiêu chảy cấp.

+ Trường hợp 2: nái sanh sau 2 tuần nữa, khi được gây nhiễm nhân tạo những nái này có thể bị tiêu chảy cấp nhưng đàn con sinh ra có thể được bảo vệ. Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh còn tùy thuộc vào cá thể và quy trình chăn nuôi, kiểm soát lây nhiễm...

Bà con cần chú ý biện pháp gây nhiễm nhân tạo trong dịch tiêu chảy cấp là biện pháp vô cùng cần thiết và quan trọng vì chỉ khi nào áp dụng và áp dụng đúng biện pháp nói trên chúng ta mới hạn chế được thiệt hại và ngăn ngừa nguy cơ tái phát dịch trong trại. Heo sau khi được gây nhiễm nhân tạo, nhất là heo nái sẽ có kháng thể chống lại dịch tiêu chảy cấp. Kháng thể này sẽ truyền cho heo con của lứa sau thông qua sữa, nhờ vậy heo

con ở lứa sau không bị bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, tùy theo quy trình cắt dịch và gây nhiễm nhân tạo, an toàn phòng chống dịch được áp dụng tại trại và tùy theo cá thể, hiệu quả có thể khác nhau giữa các trại và các cá thể heo nái, nhưng nhìn chung sẽ bảo vệ được đàn heo con của lứa sau chống lại bệnh tiêu chảy cấp.

- Chăm sóc, nuôi dưỡng: Giảm cho ăn 4 – 5 ngày, cho ăn lại ½ khẩu phần, tăng khẩu phần từ từ... mục đích của biện pháp này nhằm giảm nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn đường ruột và hỗ trợ sự phục hồi của niêm mạc ruột đã bị hư hại do virus tấn công. Chú ý trong thời gian này cần đảm bảo lượng nước uống đầy đủ, đảm bảo chất lượng cho tất cả các nhóm heo. Đối với heo con bị bệnh, để làm giảm tỷ lệ tử vong nên áp dụng các biện pháp sau: bù nước tích cực bằng cách cho uống trực tiếp, truyền xoang bụng... dung dịch gồm muối 9 g/lít, đường glucose 40 g/lít, có thể bổ sung thêm kẽm sulfat 0,02 % và tanin cầm tiêu chảy. Tăng nhiệt độ chuồng nuôi thêm 2 – 3°C để tăng cường ủ ấm cho heo con.

3. Chú ý sau khi dịch đã qua (sau 21 ngày): cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như vệ sinh tiêu độc cẩn thận chuồng trại, người thăm viếng, phương tiện vận chuyển... Chỉ nhập heo mới về trại sau 4 tháng xảy ra dịch và chú ý biện pháp cách ly. Nếu không tuân thủ biện pháp gây nhiễm nhân tạo và biện pháp cách ly, nhập heo mới đúng thời gian, dịch tiêu chảy cấp sẽ rất dễ tái xuất hiện ở các trại đã từng bị dịch bệnh. Heo nái sau khi bệnh sẽ có miễn dịch chống lại bệnh và có thể truyền cho heo con kháng thể chống lại bệnh, vì thế không nên loại thải những nái này nếu năng suất sinh sản vẫn đạt theo yêu cầu.

PGS. TS. NGUYỄN NGỌC HẢI, Bộ môn Vi sinh – Truyền nhiễm, Khoa Chăn nuôi – Thú y, Đại học Nông Lâm Tp. HCM